Tôi vẫn hay đùa J M Coetzee là “Đóa hoa Nam Phi cao lãnh” bởi cách sống ẩn dật, lánh đời và có phần lạnh lùng của ông trước thế giới. Quả thực Coetzee luôn rất kín tiếng về cuộc sống cá nhân, chỉ thi thoảng người ta mới bắt gặp cái bóng của ông phảng phất đôi chút trong những nhân vật chính ông nhào nặn ra. Cũng có lẽ vì thế bộ ba [Những cảnh đời tỉnh lẻ] có thể coi, gần như là những gì rõ nét nhất về con người và lối sống của Coetzee.
Bộ ba gồm ba cuốn sách, [Tuổi thơ] ra đời năm 1997, [Tuổi trẻ] năm 2002 và kết thúc bởi [Mùa hè] năm 2009.
Với hai cuốn đầu tiên tôi gần như đã tin đó là một dạng hồi ký hoặc tự sự của chính tác giả bởi những đặc điểm quá trùng khớp với cuộc đời ông, những sự kiện và dấu mốc ta có thể tìm thấy đầy rẫy trên wikipedia xuất hiện hoàn chỉnh trên giấy, đương nhiên là đã được giải trình kỹ càng từng cảnh tượng một. Thế nhưng nhận định đó đã hoàn toàn vỡ nát trước cuốn sách thứ ba, cuốn sách cuối cùng không còn là “hồi ký” như ta vẫn tưởng mà đột ngột chuyển biến thành một dạng “phản hồi ký” thông qua việc xuất hiện một nhân dạng khác và trở thành người ghi chép cũng như nhận định lại con người John, hay kẻ được gọi là “hắn”, nhân vật chính của hai cuốn sách đầu tiên.
Phải nói thật rằng nếu chỉ đọc một hay hai quyển trong bộ ba cuốn sách này bạn sẽ không thể nào hình dung ra được toàn bộ con người John, dẫu cho việc đọc đầy đủ cũng chỉ phần nào đó giúp bạn hoàn thiện bức tranh lớn ấy. Bởi mỗi phần như một mảnh ghép nhất định phải có nhau, còn phần cuối, nơi John chỉ còn hiện lên qua ý kiến và nhận định đầy tính cảm quan của những người đã đi qua đời mình, phần này giống như chất keo đục mờ, cần thiết phải có để trét vào các khe rãnh trong bức tranh ghép tổng thể.
John Coetzee không thể hoàn chỉnh khi không hiện diện đủ qua ba phần sách, nhưng sự hoàn chỉnh lại chỉ ở một mức tương đối. Bởi không ai dám chắc [Tuổi thơ] và [Tuổi trẻ] hai cuốn đầu tiên mang hơi hướm hồi ký kể lại từ ngôi thứ ba có bộc bạch hết được con người John hay chưa? Liệu hắn có giữ lại chút nào khi nói về chính mình, cất giấu đi một vài bí mật nhỏ nào đó cho riêng cuộc đời mình chăng? Và hơn hết, ở [Mùa hè], cuốn sách cuối cùng lật lại mọi định nghĩa về một bộ sách hồi ký, nơi John hiện lên qua hồi ức của những người xung quanh hắn cũng như vài ghi chép vụn vặt hắn lưu trữ khi từng có ý định tự viết về cuộc đời mình, có chắc những điều chúng ta khai thác được hoàn toàn là đúng và đầy đủ nhất? Thời gian liệu có ghé qua và phủ thêm lên hình bóng John trong trí nhớ một lớp áo khác hẳn với chính John ở một thời điểm nào đó trong đời? Tất cả đều là những câu hỏi không thể giải đáp, nhưng đó không phải là câu hỏi lớn nhất mà bộ sách mang tới cho tôi.
Với tôi, điều khiến tôi không thể ngừng suy nghĩ về nó là bản dạng thực sự của nỗi đau trong mỗi con người thông qua hình ảnh John, một kẻ yếm thế với đầy hoài nghi và bất an trước cuộc sống dị dạng này.
Qua cái nhìn của người khác, mà cụ thể là Julia, người phụ nữ đến với John để ăn miếng trả miếng người chồng ngoại tình, hắn hiện lên như một người đàn ông hiền lành, hòa nhã, ẩn trong vẻ ngoài khô cứng kém cỏi là những ẩn ức tính dục ngập tràn. Cũng qua lời người phụ nữ ấy, bà thốt lên đầy chao chát “John là nhân vật phụ. Chỉ là nhân vật phụ trong cuộc đời tôi”, mặc cho người viết tiểu sử tìm tới bà vì tầm quan trọng của bà, như John nói với những người khác, trong cuộc đời ông. Nhưng khi Julia nhắc tới cuốn tiểu thuyết Duskland mà John gửi tặng bà khi họ vẫn còn dan díu, ta có thể thấy việc hắn đề tặng người cha làm nghiên cứu Sử học cũng là những lời dối trá, vậy sự quan trọng của Julia với cuộc đời John liệu “thật” được bao phần? Điều gì đã thôi thúc John kiếm tìm sự liên kết với một người quan trọng, người nào đó nhất quyết phải ghi dấu trong cuộc đời hắn bằng cách nào đó ư? Nó cho thấy sự trống vắng và khao khát có cột mốc trong đời hay sự tự huyễn hoặc lên đến đỉnh cao của một kẻ cô độc đây?
Tới khi cuộc phỏng vấn với một người phụ nữ khác, Margot xuất hiện, thậm chí người ghi chép tiểu sử còn tự cho phép mình thêm thắt ý kiến cùng màu sắc để mọi thứ trở nên kịch tính hơn. Lúc này tôi càng thêm nghi ngờ tính “chân thực” trong toàn bộ câu chuyện nói riêng và tất cả những gì là “tiểu sử” nói chung. Nó không gì hơn những đánh giá chủ quan một cách cảm tính về một ai đó, mọi điều đang diễn ra có thật có giả, có chính xác có hư cấu, việc của người ghi chép là hòa trộn chúng với nhau, bóc tách chỗ này một chút, gột bỏ chỗ kia một chút, cuối cùng nhào nặn lên một John mà ta thấy trên trang giấy. John Coetzee với đầy khiếm khuyết, John mang mặc cảm yếm thế từ tận sâu tâm khảm khi đứng trước cuộc đời. Ở John hiện lên hình bóng một cá nhân tỉnh lẻ mang trong mình di chứng của một đất nước phân rã dù không điển hình nhưng rất mạnh mẽ, ai cũng có thể thấy là sự lạc lõng của John mạnh mẽ tới mức tự chính trong hắn đã là một thân xác phân rã.
Nói về di chứng của một đất nước đã và đang trên bờ vực phân rã ta có thể thấy rõ nhất qua từng biểu hiện nhỏ nhặt trong cuộc sống của John thời ấu thơ. Nơi hắn sống chỉ là một thành phố u buồn xám xịt và nhỏ bé nhưng sự ngăn cách giữa người Afrikaans, người Da Màu và người Bản Địa vẫn luôn hiển hiện rõ rệt. Cùng một đất nước, cùng chung một Đất Mẹ, hít thở chung một bầu không khí nhưng họ không thể hòa hợp với nhau, họ được dạy để căm ghét nhau, để hằn học nhau và giữ vững phẩm giá trên cơ người khác. Thậm chí những người cùng một màu da trắng như người Anh thuần và người Afrikaans cũng không ưa chuộng gì nhau, những đứa trẻ thấm nhuần di chỉ bạo lực từ người lớn không ngần ngại đấu đá, bắt nạt lẫn nhau trong trường học. Các thầy cô mang theo roi da và sử dụng chúng vô tội vạ lên thân xác học sinh mà chẳng cần một lý do chính đáng hơn việc khác biệt chủng tộc hay cạnh tranh đảng phái từ xa xưa.
Cả thời thơ ấu của John trong phần [Tuổi thơ] trải đầy những điều hỗn loạn như thế. Và điểm sáng duy nhất với hắn chắc hẳn chỉ có Karoo, vùng bình nguyên rộng lớn có thể cho hắn những giây phút thư giãn êm đềm tới nỗi ước mong duy nhất của hắn khi còn là một đứa trẻ là được chôn vùi tại đây sau khi chết. Mặc cho nông trang ở Karoo không thuộc về gia đình hắn mà thuộc về gia đình của cha hắn, người cha tầm thường cũng hệt như các anh em tầm thường của ông, cả một gia đình mà hắn không ưa cũng như chẳng yêu mến gì hắn hay mẹ hắn.

Mẹ hắn, hình hài nữ tính có lẽ là duy nhất hắn yêu thương trong đời, nhưng cũng là loại yêu thương cầm chừng và nửa vời. Hắn mừng vì mẹ dạy dỗ mình một cách khác biệt để mình không tầm thường như những người xung quanh, rồi lại oán trách mẹ không chỉ dạy mình cách sống bình thường để hòa nhập được với đồng loại. Hắn vừa yêu vừa muốn thoát khỏi gánh nặng tình yêu người mẹ dành cho mình. Cuối cùng hắn trốn chạy khỏi mẹ, khỏi đất nước Nam Phi đang hỗn loạn một cách dứt khoát.
Hắn dành gần như một nửa [Tuổi trẻ] tại nước Anh xa xôi, nơi chắc chắn đủ xa để không còn nghĩ về mẹ hay Nam Phi thường xuyên ngoài việc nhận những lá thư nhà và đọc những tin vắn đẫm mùi bạo lực trên báo chí. Ở [Tuổi thơ] John là cậu bé lạc lõng lấp đầy mình bằng những lời nói dối chỉ vì bảo vệ lòng tự cao ngây ngốc, thì tới [Tuổi trẻ] hắn đã nhận ra mình chỉ là một kẻ nhàm chán, thất bại và kém cỏi trong chiếc áo trưởng thành quá khổ.
Chọn nước Anh bởi nơi đây là kinh đô của thi ca và văn học, John trở thành một lập trình viên khô khan nhưng không quên nuôi giấc mộng nghệ sĩ. Rồi hắn tự dằn vặt trong vô vàn câu hỏi “Mình phải đau đớn hay khổ sở tới chừng nào để trở thành một nghệ sĩ đích thực” hay “Cái vực thẳm trong mình đã đủ rộng lớn hay chưa”. Hắn quăng mình vào đàn bà và cả đàn ông, vào nhục tính như cách các tên tuổi lớn thu hút nhân tình. Nhưng hắn lại không thể lớn lên thật sự, tâm hồn hắn mãi mãi chỉ là đứa trẻ con đứng đờ ra trước dòng chảy cuộc đời mãnh liệt.
John Coetzee khác với những con cừu nhu mì đơn giản đón nhận cái chết mà chẳng hề giãy giụa trong nông trang của người bác ở Karoo năm xưa. Hắn khác biệt dù bị đánh giá là có phần dị biệt, và nếu có là cừu hắn cũng phải mang một màu lông khác, một chút can đảm giãy giụa khác hẳn. Hắn tự quay cuồng trong câu hỏi về nhân sinh, trong hàng mớ hỗn độn không tên mà cuộc đời ném vào hắn hay hắn để lại cho đời.
Dù qua ký ức của những người có phần thân thiết hay sơ giao thì hình ảnh Coetzee hiện lên luôn có chút gì đó rất khó hòa nhập với thực tại đang diễn ra xung quanh. Hắn đấu tranh cho những phận đời yếm thế trong xã hội ư? Không, không hề. Nhưng không thể phủ nhận hắn luôn có mối bận tâm về họ, như cái cách hắn học ngôn ngữ cổ vậy, chỉ học những gì đã mất đi, để làm gì? “Để nói chuyện với người đã chết.” Vậy hắn đứng về phe chủng tộc thượng đẳng đàn áp những người đối lập sao? Vậy thì lại càng không. Hắn không yêu mến dòng máu chảy trong mình, càng không tôn sùng màu da tổ tiên mình truyền lại một cách cực đoan như thế. Hắn chỉ đơn giản là đứng đó và dõi nhìn theo tất thảy mớ bòng bong ấy với sự rối loạn, hoang mang từ sâu trong tâm khảm.
Đất nước của hắn từng bước đi tới vỡ nát. Gia đình của hắn cũng chỉ còn là những mảnh vụn đang cố chắp vá, bấu víu lấy nhau một cách tàn tạ. Hắn thì thoi thóp hệt như người cha già kiệt quệ của mình, dù quãng đường phía trước phải đi còn quá dài.
Sau rốt, cái chết của Coetzee nơi đất khách, khi đã nổi tiếng, vẫn không cứu vãn được hình bóng hắn khô khan, thiếu phẩm cách trong quá khứ và trong câu chuyện của những người đang sống. Thử hỏi có đáng buồn không? Với người khác thì có lẽ, nhưng với Coetzee chắc hẳn cũng không mấy buồn, bởi dù rời xa cõi đời và phải nằm lặng im những khoảnh khắc cuối cùng trong cỗ quan tài lạnh ngắt dưới cơn mưa, chờ đợi ai đó nhớ ra để mang mình đi chôn cất như bà dì Annie năm xưa đi chăng nữa thì linh hồn hắn biết đâu sẽ được an yên như hắn từng mong, biết đâu đấy.