Đừng đọc cuốn sách này vào một buổi chiều nắng đẹp, vì cuốn sách sẽ giết chết buổi chiều của bạn.
“Lạc lối về” là một tác phẩm khiến tôi nâng lên, hạ xuống rất nhiều lần. Tác phẩm không hề phức tạp, nội dung cũng không hề khó hiểu, nhân vật cũng không hề “thiếu muối”… ấy vậy mà mỗi lần nâng sách lên, tôi chỉ đọc nổi 20-30 trang là phải đặt xuống. Tác phẩm quá ngột ngạt, tù túng, một nỗi buồn không tên khó tả quện đặc quanh các nhân vật, các khung cảnh khiến tôi như bị rút kiệt năng lượng mỗi khi đọc.
“Lạc lối về” được kể dưới góc nhìn người thứ nhất – “tôi”. Nhưng có những 2 “tôi” cùng kể tác phẩm, một “tôi” là anh chồng còn “tôi” kia là chị vợ. Cả hai cái “tôi” đều xa lạ với chính cái thế giới mà họ đang sống. Bối cảnh của tác phẩm là nước Đức khoảng một thập kỷ sau Đại chiến thế giới thứ hai, “tôi” vốn là một cựu quân nhân, nhưng đào ngũ vì vợ đẻ. Nói vậy để bạn đọc biết là sẽ chẳng có hành động anh hùng, cũng như cuộc chiến hoành tráng nào trong ký ức của “tôi” cả. Sau chiến tranh gia đình “tôi” phải vật lộn để sinh nhai. Một gia đình 5 người nhồi nhét nhau trong một căn hộ tù túng, ngăn cách với hàng xóm chỉ bằng những tấm ngăn mỏng. Nói theo kiểu bọn sinh viên ở trọ ngày xưa thì nhà bên kéo khóa quần thì nhà mình cũng nghe rõ. Cuộc sống ngột ngạt, “tôi” dễ bị nổi nóng mất kiểm soát. Một lần, khi đang mệt mỏi sau một ngày làm việc, “tôi” đã đánh đập dã man những đứa con nhỏ của mình chỉ vì bọn nó đã… vui vẻ líu lo hát. Mọi người thông cảm cho hành vi bạo hành của “tôi”, vì: “anh ta từng ra trận”, nhưng “tôi”, sau khi tỉnh táo lại thì không thể tha thứ cho sự rồ dại của mình. “Tôi” dọn khỏi nhà, sống lang thang, ăn nhờ ở đậu ở bến tàu bến xe như một kẻ vô gia cư. “Tôi” xa lạ với thế giới của mình, bây giờ “tôi” xa lạ với chính gia đình của mình.
lac loi ve
Khi đọc “Lạc lối về” tôi không thể không liên tưởng tới “Giã từ vũ khí” của Hemingway, bởi cả hai tác phẩm đều khiến tôi vô cùng vất vả khi thưởng thức. Đôi khi tôi thầm nghĩ, đọc mà khổ sở như vậy thì đọc làm gì cho mệt? Nhưng rồi lại nghĩ, rằng tác giả đã dày công kiến tạo một bầu không khí chân thực đến thế, rằng hiện thực đâu phải lúc nào cũng dễ chịu màu hường, rằng chỉ có truyện tranh mới đầy rẫy những anh hùng trong chiến tranh chứ thực tế chỉ có những nạn nhân mà thôi… vậy là như một kẻ khờ, dẫu thấy bụi gai mà vẫn lao vào, tôi lại nâng tác phẩm lên và cố gắng tiến thêm 30 trang nữa
Category: Văn học