José Saramago – nhà văn Bồ Đào Nha đoạt giải Nobel Văn chương 1998, được đánh giá là người sử dụng hài hòa tính ấn dụ, ngôn ngữ châm biếm, các hình tượng đặc trưng cũng như góc nhìn độc đáo về xã hội loài người. Trong số rất nhiều sáng tác trong văn nghiệp, Mù lòa – cuốn sách nổi tiếng và cũng đặc biệt nhất, được hoàn thành vào năm 1995 có thể nói là đại diện rõ ràng nhất cho những đặc điểm này.
Đặt trong bối cảnh có tính tiên tri kì lạ, tác phẩm kể về người dân ở một nơi chốn không tên, bỗng nhiên bị mắc dịch bệnh “mù trắng”, khi không giống người mù thông thường, giờ đây trong mắt họ luôn là một bức màn trắng như đang lạc trong sương mù hay biển sữa. Bắt đầu từ một người đàn ông đang lái xe trên cao tốc, căn bệnh sớm lây sang người làm phúc dẫn ông về nhà, người bác sĩ chữa bệnh, các bệnh nhân trong phòng khám, và cuối cùng là tất cả, không chừa một ai.
Một trong những điểm nổi bật trong phong cách viết của José Saramago là tính đa nghĩa. Ở Mù lòa, nổi bật lên trên là câu chuyện dịch bệnh – cách con người đối phó và đối xử với nhau khi bị dồn vào chân tường; thế nhưng với những diễn biến cũng như các cá tính nhân vật đặc biệt, người đọc còn nhận ra đằng sau đó một cốt truyện khá tương đồng với Kinh Thánh, về một người đau khổ để cứu vớt cả nhân loại.
MỘT MẠNG LƯỚI NGƯỜI
Ngay từ những dòng đầu tiên, José Saramago đã cảnh báo người đọc về một trong những căn bệnh rồi sẽ diễn ra: “Hôm nay là ông, ngày mai có thể là tôi. Luôn luôn thường trực”. Ở đó tội ác dường như bất diệt tồn tài, khi họ có thể lấy trộm chiếc xe ngay cả của một người mù. Từ một người đàn ông đầu tiên, căn bệnh vô phương cứu chữa bắt đầu lan rộng sang những người khác. Điểm đáng lưu ý ở đây không phải là căn bệnh lan truyền theo phương thức nào, mà là cách con người tạo ra các mối quan hệ xã hội của mình, và nó có thể rộng lớn đến đâu.

Bắt nguồn từ một người rồi đây sẽ lan ra rộng khắp, “mù trắng” như hiệu ứng cánh bướm để rồi giờ đây ai ai cũng sẽ nhiễm phải căn bệnh tham lam, đố kỵ. Chính phủ vẫn cố bao che khi những thông tin ban đầu truyền ra, những lính quân đội phụ trách canh giữ và cung cấp thức ăn thì thờ ơ, không mấy quan tâm, cũng như nghĩ rằng bọn người trong khu cách ly nếu có giết nhau thì càng tốt hơn. “Nửa lãnh đạm, nửa ác ý: chúng ta được tạo ra như thế”. Và những nhân vật trong cuốn sách này đã thể hiện rõ ràng điều đó, mà không nhận ra một cơn đại họa và rồi sẽ đến.
260 người bị cách ly trong nhà thương điên, và đó cũng là khi phần “con” trỗi dậy một cách khôn kham. Con người mất trật tự giờ đây cần một thủ lĩnh, và nhiều ý kiến là nhiều phe phái, những đối đầu, đối nghịch và mâu thuẫn từ đây hiện ra. Từ việc giữ cho mình thêm một phần thức ăn cho đến lập phe với vũ khí nhằm chiếm giữ đồ ăn, thức uống… Những tội lỗi này không hẳn là mới, nhưng dường như José Saramago đã thấy được trọng tâm này và khai thác nó.
Sự phi nhân được bao bọc ở trong nỗi sợ: đó là quyền năng tước đoạt được bằng vũ khí, đó là không có thuốc kháng sinh, đó là việc bắn người vô tội và cũng như coi chính mình đã chết đi, vì không có đường nào khác. Ở nơi chốn ấy, sự tử tế bị thách thức, biến con người thành ra những con thú mù giờ đây phải trả tiền để lấy thức ăn, đánh đổi những người phụ nữ để được sống thêm. Bởi nhẽ “Sự hợp lý và vô lý của con người ở mọi nơi đều giống nhau”, nên José Saramago viết hầu hết cuốn sách trong sự dửng dưng và câm lặng.
Con người trong bối cảnh ấy bỗng chốc trở nên nhỏ bé và dễ bị lãng quên. Giờ đây người ta không còn bận tâm tìm ra nguyên nhân đằng sau cái chết, khi họ chỉ biết rằng người đó đã chết. Giờ đây sự xấu hổ đã vượt qua một nhân cách xứng đáng, khi mù lòa là sống trong một thế giới chẳng còn hy vọng. Sự bình thường trở về như trước là một hố sâu tuyệt vọng đối với họ, bởi vì cái mù vật lý giờ đây không còn là gì, khi cảm xúc đã dần tắt lịm và thứ chờ đón họ giờ đây là cuộc sống bầy đàn nguyên thủy trong mọt thế gian bị bứng rễ và kiệt quệ dần. Cái thế giới ấy không còn được chống đỡ bằng những cảm xúc giữa người với người. Khi con người ta tắt ngóm cảm xúc, đó cũng là khi họ mù, và vô vọng trước một thế giới rộng lớn.
MỘT KINH THÁNH MỚI
Không rõ hữu ý hay là cố tình, mà José Saramago cho người “anh hùng” trong tiểu thuyết của mình là một phụ nữ – người vợ vị bác sĩ mù. Xuất phát từ tình yêu quá lớn với người đàn ông của đời mình, bà đi theo ông vào khu cách ly mà không biết mai sau mình sẽ trở thành người duy nhất cứu vớt mọi thứ. Ở bà ta người đọc thấy được một hình dáng khác của Marie – người đàn bà thuần khiết khai sinh ra Chúa. Người vợ bác sĩ có thể không thuần khiết theo mặt ngữ nghĩa cụ thể, nhưng bà chính là người đã tái sinh và làm lại mọi thứ.
Cô gái đeo kính đen trong cuốn sách này đã từng nói rằng “Phụ nữ tái sinh trong nhau, người đoan trang tái sinh thành gái điếm, gái điếm thành phụ nữ đoan trang”. Liệu đây có phải là một ngầm ý nói về bà – người đã đâm chết tên trưởng nhóm của bọn trấn lột, người đã hiểu thấu và thứ tha cho chồng khi ông không còn là mình để đến với người phụ nữ khác? Bà ấy mang trong chính mình một quyền năng sự thật, khi hiểu và thấu rõ một thế giới mà giờ đây đã mất đi một ý nghĩa.
Sức mạnh của bà không đến từ những sức mạnh đặc biệt, mà đó là việc chấp nhận sự thật. Trong những khoảnh khắc sau khi thoát ra từ bệnh viện điên, bà và 7 người phụ thuộc vào mình như một nhóm dài tìm lại thế giới. Đó là thế giới của việc sống trong hiện tại, khi họ uống nước tinh khiết trong những bàn tay dơ bẩn bằng bộ ly pha lê đẹp nhất. Đó là 3 người phụ nữ và việc gột rửa khi cơn mưa xuống, và cũng là việc chấp nhận mọi người giờ đây sẽ chết vì bệnh nào đó cùng sự mù lòa. Người nữ anh hùng ấy, cũng như những người khác, bà mù theo một cách khác, bởi nhẽ giờ đây không ai thấy mình cũng là một cách mù lòa. Bởi nhẽ bà mù trước sự mù lòa của mọi người, khi không còn cái phao nào để bám vào.
Người phụ nữ ấy là người níu giữ mạch truyện, là chiếc cọc giữa dòng nước siết đễ ta hiểu rằng, tồn tại không hẳn đồng nghĩa với tội ác. Bất cứ một tranh luận nào trong lòng suy tư của bà vẫn là những câu hỏi hiện sinh muôn phương lưỡng nan? Rằng nó tốt, hay không tốt. Rằng nó ác, hay chính đáng. Khi bà nôn thốc nôn tháo vì tội ác che giấu kho đồ ăn rồi sau đó là hằng hà xác chết xếp chồng lên nhau, khi bà lừa lọc ở trong Nhà thờ về những bức tranh đã bị bịt mắt… đó là khi đức tin rạn vỡ, và bà giễu nhại chính Người mà bà đang hóa thân vào. Một thế gian mù, không có gì là thật hơn sự hiện tồn, với tội ác, bản năng cùng sự tha hóa của chính con người.
“Chúng ta mù nhưng thấy. Người mù có thể nhìn nhưng không thấy”. Khép lại cuốn sách José Saramago sử dụng lại câu nói ấy. Thấy và nhìn là những động từ có vẻ giống nhau, nhưng trải qua một cuộc bể dâu, nó đâm khác biệt. Nhìn chỉ đơn thuần là một phóng chiếu từ con người ra xã hội, và giờ đây nó bị chặn đứng bằng bức màn trắng. Nhưng thấy còn hơn thế, là sức mạnh đâm xuyên qua bức tường ấy, để chấp nhân rằng chúng ta đều là kẻ giết người, rằng chúng ta cũng đang mù lòa trong một xã hội vận động, để sống vì bản thân so với đời sống cộng đồng. Tính ẩn dụ trong tác phẩm này của José Saramago là rất đặc biệt, nó không chỉ gợi về sự mâu thuẫn trong một bối cảnh giả tưởng có tính tiên tri, mà nhìn bất cứ ở khuôn hình nào, ta cũng thấy được chính mình và đời sống này ở đó. Một cuốn sách tiên tri hoàn hảo.