Qua vadis là tác phẩm của đại văn hào Ba Lan Henryk Sienkiewicz, giúp ông đạt giải Nobel năm 1905, xoay quanh mối tình giữa chàng quý tộc La Mã Vinicious và nàng công chúa Lygia xứ Lugii cùng hành trình biến đổi thế giới nội tâm đầy dữ dội của chàng quý tộc trẻ tuổi để có được tình yêu đích thực, qua đó vẽ nên bức tranh về thời kỳ đầu của Công giáo trong xã hội La Mã đầy xa hoa trụy lạc lúc bấy giờ.
Nhan đề Quo vadis
Nguồn cảm hứng cho Henryk Sienkiewicz viết nên tác phẩm là khi ông đến thăm nhà thờ nhỏ Dominie Quo Vadis tại Roma. Đây là câu nói bắt nguồn từ sự kiện thánh Peter (Phêrô) rời Roma trong cuộc bách hại các Kitô hữu dưới thời hoàng đế La Mã Nero. Nhưng trên đường, ngài gặp Chúa Giêsu. Ngài hỏi Chúa: “Quo vadis, Dominie?”, nghĩa là “Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu vậy?”. Chúa Giêsu trả lời: “Ta đến để chịu đóng đinh thêm lần nữa!”. Phêrô nhận ra thị kiến này cho biết ngài sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết để làm chứng cho Chúa Giêsu. Ngài liền quay trở lại Roma, bị bắt và chịu đóng đinh ngược vì cho rằng mình không xứng đáng được chết như Thầy.
Bối cảnh và tính lịch sử
Quo vadis được đặt trong triều đại trị vì của Hoàng đế La Mã Nero, cũng đặt dưới triều đại Giáo Hoàng của thánh Phê-rô, vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Các diễn biến trong tác phẩm đều được dựa trên các sự kiện có thật trong lịch sử. Chính vì thế, tác phẩm không những có giá trị về mặt văn học, tôn giáo, mà còn tái hiện lại lịch sử dưới thời vị vua tàn bạo bậc nhất. Nhiều biến cố quan trọng trong lịch sử thời kỳ này được tác giả vận dụng và cài cắm những tình tiết chân thực.
Thế giới nội tâm tinh tế và đầy mâu thuẫn
Một trong những lý do khiến tác phẩm đồ sộ là do Henryk đã tập trung mô tả rất kỹ lưỡng thế giới nội tâm cũng như sự chuyển biến tâm lý phức tạp. Một Lygia say đắm trong men tình ái của chàng Vincious mãnh mẽ kiêu hùng nhưng vẫn một lòng chạy trốn chàng vì không muốn khuất phục trước bạo quyền. Một Vinicious như phát điên trong tình yêu với nàng Lygia, và khi đứng trước chân lý sáng ngời mà nàng luôn tuân phục, chàng vừa yêu thêm cái vẻ thanh cao kiên cường ấy, lại vừa căm ghét nó đến tận xương tủy, vì lẽ chính cái tôn giáo với thứ giáo lý thanh thoát đến choáng ngợp ấy, khiến chàng, một hộ dân quan mà tội lỗi và vô luân đã trở thành một phần của chàng giống như bao kẻ trong xã hội lúc bấy giờ, trở nên xa cách muôn trùng như vực thẳm với nàng. Để rồi chàng phải trải qua một cuộc hoán cải đời sống nội tâm đầy gian nan và đau đớn mà đến với thế giới ánh sáng của nàng. Một Petronious sõi đời, tinh tường và khôn ngoan đến mức chính Hoàng đế cũng phải nhìn biểu cảm của ông mà điều chỉnh quan điểm của mình, chẳng bao giờ quan tâm đến sống chết của bất kỳ kẻ nào lại cảm thấy mình bé nhỏ và tự ti trước sự công chính vô cùng của bà Pompenia. Một lão Chilo chuyên dùng miệng lưỡi mà hắt nước bẩn lên người khác để kiếm lợi cho bản thân, kẻ đã khơi mào đổ tội cho các tín hữu khiến hàng ngàn người chịu cảnh thú dữ xé thịt, thập giá trên vai hay lửa thiêu cháy rụi, khiến những kẻ vô đạo đức nhất cũng phải đem lòng khinh khi, cuối cùng lại lấy được sự thương cảm khi lần đầu tiên, cũng là lần cuối can đảm làm chứng cho sự thật, dù cái giá phải trả là đòn roi cực hình, là cái lưỡi đã được tẩy rửa trong sạch, là chính mạng sống của mình.
Nước trong quá thì không có cá
Xuyên suốt tác phẩm, không dưới một lần ta bắt gặp Nero bày tỏ thái độ với những người đức độ công chính mà ông ta coi đó là khắc kỷ. Thật vậy, trong cái mớ tội lỗi và vòng xoáy không hồi kết của lạc thú và dục vọng, bất kể vua chúa hay quan lại, thường dân hay nô lệ, sự chung thủy vì chỉ có một chồng bị coi là điều kỳ dị và đáng lên án, sự trung trinh thà chết cũng muốn giữ thân mình trong sạch lại bị coi là không thể hiểu nổi, việc không ham muốn khoái lạc của cô hầu gái muốn dành trọn tình yêu cho ông chủ của mình lại bị mỉa mai chê cười, tâm hồn rộng lượng tha thứ cho kẻ đã hại mình bị xem như ngu ngốc, làm chứng cho sự thật thì bị khinh chê và bị coi là kẻ điên. Bởi lẽ tất cả những gì là tốt đẹp ấy đều đi ngược lại với số đông. Xã hội thời nào cũng có ung nhọt, ý kiến số đông đôi khi đi ngược lại với các giá trị đạo đức và luân lý. Người dám sống đúng và đi ngược số đông, ít nhiều cũng sẽ bị thiệt thòi. Nhưng lựa chọn là ở mỗi người.

Bàn về tự do đích thực
Quo vadis đã đặt ra một câu hỏi mang tính thời đại về tự do đích thực của con người. Liệu tự do có phải là điều cho phép ta được làm mọi điều mình muốn hay không? Hai trạng thái đối lập về cả bề ngoài lẫn bản chất được phơi bày rõ nét trong tác phầm. Một bên là chiều theo ý muốn của bản thân, xa vào lạc thú, quyền lực, hư vinh ảo ảnh để cuối cùng bị cầm tù trong xiềng xích tội lỗi, bị chặt đầu trong kinh hãi và tủi nhục, phải tự sát trong cô đơn và đớn hèn. Bên kia là đau đớn gạt bỏ những gì là xa hoa, giận dữ, trả thù, ghen ghét mà sống nghèo túng, thấp hèn, dù cho có phải chết cái chết đau đớn nhất cũng phải làm chứng cho chân lý và cho sự thật, cũng phải yêu thương và tha thứ đến tận cùng. Họ cũng chết, nhưng chết trong niềm hy vọng, chết trong tình yêu và sự thanh thoát khỏi tội lỗi. Họ giết chết những gì là xấu xa trong chính mình để có được sự sống đích thực. Đến nỗi chính Vinicious đã phải thốt lên rằng “Cậu bảo giáo thuyết của Thiên Chúa không phải là sự sống, nó ràng buộc sự sống. Nhưng liệu mối dây ràng buộc ấy có cứng rắn hơn xiềng xích mà chúng ta đang phải chịu đựng hay không?”. Trông có vẻ tự do nhưng thực chất là cánh cổng đóng kín. Nhìn đầy khuôn khổ và bức bối nhưng bên trong lại nhẹ nhàng và thanh thoát. Vì tự do đích thực luôn hướng đến điều thiện.
Những kẻ điên đầy khôn ngoan
Nhiều chi tiết trong tác phẩm đi ngược lại với những suy nghĩ khôn ngoan của con người. Glaucus tha thứ cho kẻ giết vợ, giết con, khiến mình mất nhà cửa dù việc giết hắn chỉ ngay trong tầm tay. Lygia không hề đem lòng hận thù Vinicious dù vì chàng mà nàng phải lìa xa gia đình, chạy trốn khắp nơi, sống trong nghèo túng. Thánh Phêrô từ bỏ cơ hội chạy trốn mà quay về Roma dù biết mình sẽ chết cách đau đớn. Và còn vô số những nghịch lý khác. Song sau tất cả, họ có tình yêu, sự thanh thoát và dũng cảm trước cái chết. Khuôn mặt họ sáng ngời và tâm hồn họ rộng mở, để hận thù, ghen ghét không có nơi để bấu víu trong trái tim họ. Sau cùng, họ là những con người mạnh mẽ nhất, không để nghịch cảnh tha hóa, không để dục vọng cám dỗ mà vẫn giữ được tâm hồn trong sạch. Kỳ diệu là những hạt mầm của chân lý và tình yêu được gieo vào lòng của thành phố Roma thối nát đang trên đà sụp đổ và trở thành kinh đô của Giáo Hội cho đến tận ngày nay. Họ điên trong mắt người đời, nhưng vô cùng khôn ngoan trước Tình Yêu. Họ khôn ngoan vì họ yêu và họ biết mình được yêu, để đứng trước cái chết họ vẫn rạng ngời. Trái lại, Nero chính là nhân vật đại diện cho những kẻ không có tình yêu, và chết trong cô đơn tuyệt vọng. Hắn có lẽ từng yêu, và được yêu. Mãi sau này, dù hắn có sa đọa và đam mê lạc thú, vẫn có người yêu hắn và sẵn sàng dang tay chờ đợi hắn quay về, nhưng bạo chúa nào có động lòng. Kẻ đáng thương nhất chính là hắn, vị vua nắm trong tay quyền lực vô hạn không ai dám mơ tới, nhưng chẳng bao giờ nếm được vị ngọt của tình yêu. Đáng thương nhất không phải là không được yêu, nhưng là không yêu và không biết yêu.
Đôi nét về tôn giáo
Dù mang đậm màu sắc tôn giáo song Quo vadis không hề khô khan nhàm chán nhờ sự dẫn dắt câu chuyện tình yêu giữa đôi trẻ, những nét chuyển biến nội tâm phức tạp, những tuyến nhân vật đa dạng và nhiều màu sắc, những cao trào được đẩy lên bởi chính ranh giới giữa sự sống và cái chết, sự thử thách đức tin đến tận cùng. Qua đó, lịch sử triều đại đầu tiên của Công giáo Roma hiện lên vô cùng chân thực và sống động, không phải giáo lý có phần khô khan, không phải sự giận dữ của Thiên Chúa trước những tội ác của con người, khiến người ta phải run sợ mà không dám làm điều sai trái, mà là yêu đến nỗi có thể hiến mạng sống mình. Đó không chỉ là tình yêu giữa người nam và người nữ, nhưng là tình yêu con người, bất kể đó là ai. Không một từ nào trong tác phẩm đề cập đến nỗi hận thù của các tín hữu đối với Nero, kẻ đã đổ cho họ tội ác tày đình, khiến họ bị người đời nguyền rủa, bị thú dữ xé thịt, bị đóng đinh vào thập giá, chịu đựng những cái chết kinh khủng nhất. Sau cùng, họ vẫn tha thứ và cầu nguyện cho những kẻ đã giết họ. Giá trị cốt lõi và chân lý về tình yêu của Kitô giáo được văn hào người Ba Lan xoáy sâu và thể hiện cách chân thực.
Tác phẩm được đặt trong bối cảnh tôn giáo rõ nét nhưng một số từ ngữ liên quan đến tôn giáo mình thấy vẫn chưa được dịch một cách phù hợp, như tín đồ (tín hữu), Thiên Chúa giáo (Công giáo/ Kitô giáo), Sứ Đồ (Tông Đồ), ni cô đồng trinh (nữ đồng trinh/ trinh nữ), giáo thuyết (giáo lý), tăng lữ (tư tế), học trò (môn đệ). Song nhìn chung, với một tác phẩm đồ sộ như vậy, công tác dịch thuật là không hề dễ dàng.
Kẻ sống trong bóng tối khi thấy ánh sáng, một là chấp nhận và hân hoan đi về phía ánh sáng, hai là thù ghét và muốn tiêu diệt ánh sáng. Văn hào người Ba Lan đã xây dựng một hệ thống nhân vật phức tạp với đủ mọi tầng lớp trong xã hội lúc bấy giờ và mô tả chiều sâu chuyển biến tâm lý của họ, qua đó tạo nên bức tranh sống động toàn cảnh xã hội và tôn giáo tại Roma trong những năm đầu công nguyên để làm nổi bật giá trị của đức tin, tình yêu, lòng nhân ái và chiến thắng lớn lao của cái thiện trong bối cảnh đầy khắc nghiệt và biến động.