“Hãy nhớ rằng, ngươi chỉ là một diễn viên trong vở kịch cuộc sống. Bất kể ngắn dài, bất kể khó dễ, ngay cả khi ngươi đóng vai một kẻ hành khất, một kẻ tàn tật, một ông hoàng hay một thường dân, hãy làm cho thật tốt. Ngươi chẳng thể tự chọn vai diễn cho mình, nhưng ngươi có thể đóng tròn vai diễn ấy”.
Không ai có thể giúp chúng ta tiến bộ lên từng ngày ngoại trừ chính mình. Đề cao sự tự do và lòng cẩn trọng trong việc cố gắng mỗi ngày, “Lối sống khắc kỉ – Hành trình từ hoang mạc khô cần đến khu vườn hạnh phúc” là một quyển sách cổ vũ cho sự tự vươn lên của mỗi bạn đọc, vì giữa cuộc sống nhiều biến cố, bạn phải tự nhờ cậy bản thân, tự hoàn thiện và tự mạnh mẽ để rồi sau đó là một bước tiến trưởng thành đầy thuyết phục. Có hẳn một lĩnh vực gọi là triết học khắc kỉ và được đề cập sâu sắc trong quyển sách này với mục đích giúp bạn hiểu hơn về một lối sống tích cực có từ thời xa xưa và cũng giúp bạn có thể tìm ra được chân – thiện – mỹ đích thực cho chính mình ở cuộc đời này.
Lối sống khắc kỉ nghe thì có vẻ cao siêu nhưng thực chất là những bài học giản dị và có thể vận dụng vào đời sống hàng ngày của bạn. Để có được thành công và vinh quang, lối sống khắc kỉ là một điều không thể thiếu vì nó mang trong mình một sứ mệnh luyện rèn ra những chiến binh có lòng dũng cảm chiến đấu với mọi biến trở trong cuộc sống bằng một tấm lòng bình lặng. Sở dĩ nói như vậy bởi triết lý khắc kỉ nhìn nhận cách sống của con người ở một góc độ khó khăn và kỳ lạ nhất. Ví như hành trình của một con tàu, ai cũng nghĩ rằng chiếc tàu ấy phải căng buồm trên biển khơi lộng gió và tiến về phía trước nhưng triết học khắc kỉ nhìn nhận một con đường khác – một con đường mà nếu chẳng may, tàu bị chìm xuống biển sâu thì một hành trình khác biệt lại bắt đầu, mới mẻ và đầy bí ẩn. Từ đó, có thể thấy rằng bạn phải chính là người tìm ra con đường riêng của chính mình, dẫu có bao nhiêu vấp váp, khó khăn thì cũng phải tận dụng tình huống xấu ấy để tạo ra một hành trình vĩ đại khác.
Tác giả Jonas Salzgeber đưa ra một mô hình rất hay về hạnh phúc khắc kỉ. Một lối sống khắc kỉ sẽ gồm ba trụ cột và khi bạn sống với ba điều này, bạn chắc chắn sẽ có được hạnh phúc và mọi điều đều suôn sẻ. Ba yếu tố ấy bao gồm sống có trách nhiệm, sống với những phẩm chất cao đẹp nhất từ nội tại và sống kiểm soát trong khả năng hạn định của chính bạn. Biết điều gì là vừa đủ, biết điều gì là nghĩa vụ, biết điều gì là nằm trong khả năng của mình thì chắc chắn bạn sẽ quyết định thành bại của chính mình vì mọi thứ đều trong tầm kiểm soát của bạn. Không có gì là tốt xấu hoàn toàn nên bạn có quyền trong việc lựa chọn cách đối diện với nghịch cảnh. Cách bạn lựa chọn và kiểm soát tình huống nguy hiểm sẽ quyết định bạn sẽ tiến hay lùi.
Để rèn luyện lối sống khắc kỉ, tác giả đã cho chúng ta một vài bí quyết quan trọng xoay quanh những chìa khóa như: luôn giữ kỉ cương, luôn chú tâm trong mọi việc, giữ lòng khiêm tốn nhiệt thành và sẵn sàng hành động khi trong đầu đã đưa ra quyết định. Phong thái quyết định tất cả đối với lối sống này và bạn cần sự rèn luyện. Điều cốt lõi chính là hãy đón nhận mọi thử thách trong cuộc sống, dẫu dễ hay khó thì hãy cứ làm, không quản ngại khó khăn. Một bài học rất hay từ quyển sách mà mình rất thích chính là vạn vật vô thường, hãy cứ bình thản mà đón nhận mọi thứ. Đặc biệt là yêu thích những điều xảy đến, xem đó như một phần vốn có của chuyến hành trình mà mình phải đi và phải đóng tròn vai đối với vở kịch cuộc đời. Nếu có thể, bạn hãy vạch kế hoạch cho ngày mới bằng việc nhìn lại những điều đã qua, hãy quên những lời tung hô từ quá khứ và tập trung vào những điều quan trọng ở hiện tại. Từ những thói quen nho nhỏ này, bạn đã dần tiến bước đến một lối sống khắc kỉ toàn diện.
Ở những dòng cuối của quyển “Lối sống khắc kỉ – Hành trình từ hoang mạc khô cần đến khu vườn hạnh phúc”, tác giả Jonas Salzgeber đã đặt ra một câu hỏi cho bạn đọc: “Ta muốn trở thành ai trong cuộc đời này?”. Bạn mong muốn trở thành một người như thế nào thì hãy sống đúng với những phẩm chất và tính cách của con người ấy. Nếu muốn trở thành một người lương thiện, hãy sống lương thiện hết mình. Nếu muốn trở thành một người thông minh, hãy học cách để trở thành một người uyên bác và đầy trí tuệ. Điều mà tác giả muốn gửi gắm chính là hãy tin vào những chân giá trị của chính mình để đạt đến trạng thái “nhất quán nhận thức” để hành động và tư tưởng luôn đồng hành cùng nhau, để cử chỉ không phản ánh giả dối tấm lòng và suy nghĩ của bạn. Như dòng suối mát lành không thể nào chứa chấp được những nguồn ô nhiễm, bạn chỉ có thể trở nên tốt đẹp khi sống đúng với chân tâm chứa đầy những điều tốt đẹp của chính mình.