Các bạn coi thi ca là gì ? Là những gì cao cả nhất, phải bay bổng, phải thật trác tuyệt, hay thơ phải là rác, phải vô dụng; thơ ca phải mới mẻ hay cũ kĩ, phải trực cảm hay tuyên truyền, con chữ hay con nghĩa … ? Tôi cũng nghĩ về thơ ca nhiều lần, và rồi đi đến một kết luận: “tất cả, cũng chẳng là gì.” Song dù thi ca có đứng trên bình diện nào đi nữa, mang gương mặt nào đi nữa, nó cũng cần phải nói lên tiếng nói của chính mình – của người viết và chính thơ ca, của một thế giới tách biệt và đầy riêng tư. (Cũng như Percy B. Shelly có nói: “Thi sĩ là con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để làm vui cho sự cô độc của chính mình”) Trong thi đàn Việt Nam, sự xuất hiện của tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là sự minh chứng cho điều đó.
Khi tập thơ ra mắt vào 1992, nó đã tạo ra một tiếng vang lớn trong thi đàn Việt, trở thành một chủ đề bàn tán rất sôi nổi, các cuộc tranh luận gay gắt diễn ra với tần suất rất nhiều. Có người lại thích tiếng nói đổi mới của nhà thơ khi viết về quê hương – một vùng đồng quê sông Đáy đầy thiêng liêng giữa lòng phát triển đô thị hóa, giữa cái truy vấn chính mình giữa cuộc sống, khi nỗi buồn dâng cao trong lòng tiếng thơ kết hợp với sự thực nghiệm theo lối viết của thi ca phương Tây, Hậu hiện đại, … Cũng có người đặt vấn đề đây là một tập thơ “suy đồi đạo đức” (Tạp chí Văn Tp.HCM), “một thứ thơ tây giả cầy” (Trần Mạnh Hảo). Song tập thơ này cố nhiên không phải là nơi để ta bài trừ, phán xét hay tâng bóc, mà thiết nghĩ – nó là một tập thơ để ta tự trải nghiệm với chính bản thân ta lẫn những câu thơ và thế giới của nó.
Thế nên tôi xin phép chỉ sơ lược những nét chính về tập thơ này, không đi sâu vào việc nó hay hoặc dở, nhằm để bạn đọc có một góc nhìn khách quan nhất có thể.
su mat ngu cua lua
Trước hết, xuyên suốt tập thơ, hình ảnh thường thấy nhất là những hình ảnh thôn quê, con người làng quê đã in hằn lên trên cuộc đời nhà thơ. Cái thôn quê cùng con sông ấy trở thành tâm điểm, là hình ảnh ám ảnh ông, nơi để người tìm về và trú ngụ trong đó giữa lòng phố thị. “Sông Đáy chảy vào đời tôi/Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi chiều đi làm về vất vả/Tôi dụi mặt vào lưng áo người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm” (Sông Đáy), “Những người đàn bà góa bụa làng tôi gồng gánh trên vai, trên những con đường mòn như cột sống dị tật của ngàn đời vất vả.” (Những ví dụ). Ở nơi đó, con người, đó là những mảnh đời trì trệ, đầy rẫy nỗi buồn và những giọt nước mắt. Nơi làng Chùa (quê hương tác giả, thuộc khu vực Hà Tây – Hà Nội) có những người yêu nhau để phũ phàng nhận ra “Hỡi chàng ơi/Đêm đã trải tấm khăn tình yêu xuống rồi/Hơi thở em cỏ đã ướp đầy hương/Bầu vú em gió núi thổi mát rượi/Thế mà em mất chàng” (Một bài hát tình yêu của làng Chùa), những người phụ nữ góa bụa, những Mẹ, những Cha, cả cuộc sống gai góc này châm vào chỉ để “tóc trắng một tiếng cười ngửa mặt” (Tiếng cười). Chọn một lối đi của riêng, Nguyễn Quang Thiều viết về đôi mắt thôn quê của mình buồn rũ rượi, nhưng không phải mãnh liệt buồn để nhấn người ta xuống đáy, không tôn sùng hóa những hình tượng diễn ra trong mạch chảy thôn quê. Nỗi buồn đó có thể là một sự đau đớn khi nhận ra đó là sự thật diễn ra trong mắt của mình, để đồng cảm cùng một thôn quê nhỏ bé nơi đang dần chìm vào nỗi buồn chung giữa cuộc sống, từ đó như ý thức về một sự giam cầm và khát khao đạp ra khỏi sự trì trệ này: “ Con ốc sên cuối cùng đã bò qua bức tường bao quanh vườn cũ mốc. Cái chóp vỏ cuối cùng đã khuẩ phía bên kia. Những tia sáng cuối cùng của những hạt kim cương vụt tắt. Vệt bò của chúng để lại những dòng sáng đặc lóng lánh, những vệt sao ngôi đọng mãi trên trời./Bên cửa sổ đêm này, tôi áp mặt vào những song sắt thì thầm lời từ biệt.” (Chuyển động).
Bên cạnh góc nhìn đượm buồn một vùng quê, nhà thơ còn đặt ra một thế giới – nơi cái tôi đang tìm cách chọn lựa việc phải viết và sống, tìm mình như thế nào. Trước mắt người, những sự thật phủ phàng hiện lên: “Ta không thể nuôi nhau bằng những ánh sao trời/Anh nói vậy xin em đừng khóc” (Những ngôi sao), “Ô cửa mùa đông mở ra lặng lẽ/Chiếc áo sơ sinh của con ta phơi vừa bay qua đó/Cái mỉm cười nhạo báng của thời gian” ( khúc VI – Mười một khúc cảm), “Jonh Baca đã bóp cò hai mươi năm về trước/Đạn vẫn bay đến bây giờ” (Cơn mê), … Trong dòng hiện thực đang diễn ra một cách đầy nghiệt ngã ấy, người thơ buộc lòng phải hỏi về giọng nói của chính mình khi nhìn vào đứa con, nhìn vào hình ảnh cha mẹ mình trong kí ức, nhìn vào những con ốc sên đang bò dưới bụi cây, … Cái lắng nghe ấy để đi đến một kết luận về thái độ sống dành cho chính mình – một cuộc đời của “tôi” – “anh” – “con” – “cha” – … : “Với hơi thở của người vừa ốm dậy/Ta ôm nhau ngước mắt gọi sao trời.” (Những ngôi sao), một sự đối diện trước quy luật của nỗi đau: “Nỗi đau lịm dần… lịm dần/Nỗi đau gượng dậy… gượng dậy/Trong những tia cười dao sắc và thơ” (Khúc XI – Mười một khúc cảm), Một lòng kiên định dịu dàng được đan lấy chắc chắn để chở che mình trước đau đớn trong tiêu cực: “Sự nghi ngờ đã lây lan, sự căm thù đã lây lan/Nhưng mãi mãi tấm mạng nhện kia không có mưu mô độc ác gì/Mỏng như hơi thở của con tôi phả vào mặt kính” (Ám ảnh),… Có thể thấy, dọc tập thơ luôn có một sự trực cảm xuất hiện trong nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, những cảm xúc không thù địch, gay gắt, mà luôn giữ vững tâm thế và những giọt nước mắt của mình trước sự tác động đầy nghiệt ngã của cuộc đời – thời gian. Chính người quy định cho đời mình một lẽ sống, không bất cứ một kẻ nào khác ngoài tấm mạng nhện “không có mưu mô độc ác gì” đã bọc lấy cái tôi của nhà thơ ấy.
Có lẽ vì thế mà nhà thơ cũng chọn cách nói lên tiếng nói mình, bằng cách phá vỡ những quan niệm thơ cơ bản trước khi tập thơ này được ra đời. Thơ phải ngắn gọn ư ? Nguyễn Quang Thiều phá “kết giới” ngắn gọn ấy để câu thơ dài ra, hay dùng thể thơ văn xuôi để truyền tải những hình ảnh cụ thể về thế giới quan của mình. Thơ không được dung tục, không trần trụi ư ? Nhà thơ chọn những hình ảnh trần trụi trong tâm tưởng mình để nói lên tiếng nói của chính mình trước cuộc sống: “Trong cơn mơ đói và buồn/Các cô gái đẹp mặc váy cưỡi xe máy phóng qua/Như dao sắc phất vào tôi tứa máu/Tôi nấc lên một câu hỏi như người sặc khói/Rằng nếu tôi lấy họ/Tôi sẽ ngủ với họ thế nào” (Câu hỏi cuối ngày), “Nơi bầu vú ăn vào đá sỏi/Cứ nâu dần sau mỗi tiếng u…u” (khúc IV – Mười một khúc cảm), “Tôi hát bài hát về cố hương tôi/Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó/Nó không tiêu tan/Nó thành con giun đất/Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao/Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ/Bò qua bãi tha ma người làng chết đối/Đất đùn lên máu chảy ròng ròng” (Bài hát về cố hương)… Viết về quê hương phải ngợi ca, phải thần thánh hóa và tôn sùng hóa nó ư, Nguyễn Quang Thiều không chọn điều đó mà chọn những điều trần trụi nhất để thể hiện tình cảm lưu trú của mình. (một câu tôi đã trích trong “Bài hát cố hương” ở vế trước). Song nhà thơ đảm bảo được nhiều điều, trước hết – thơ của ông có cảm xúc và chiêm nghiệm của riêng ông, nó đề ra một giọng thơ rất rõ: một thế giới mộng mị, về làng Chùa và sông Đáy, về những người đàn bà và đàn ông, về con chó nhỏ trong tâm thức của chính mình – trên vệ đường, đâu đó đanh canh gác cổng làng, … một giọng thơ dài không lệ thuộc vào vần điệu mà là hình ảnh, mà nhà thơ Mai Văn Phấn có viết “Thơ Nguyễn Quang Thiều ít chú trọng vào những điểm “nhói sáng” của cảm thức mà dần trải ra trong chiều dài và độ sâu của thi ảnh. Những đứt gãy, rời rạc, như không có liên kết liên tiếp, tạo ra độ giãn cách giữa những nhóm hình ảnh được làm sáng lên trong không gian thẫm tối, tạo độ tương phản rõ rệt, gây ấn tượng mạnh cho người đọc, trước hết dẫn dắt chính tác giả rồi tới vào trạng thái tê dại, như lạc mê cung…”, một trải nghiệm liên tục của cái đẹp nằm ẩn giấu trên sao trời, bụi cỏ bờ cây, … và cao nhất: cái đẹp của tình thương và khát vọng. Cố nhiên ta vẫn có thể thấy một sự ảnh hưởng không nhỏ của thơ phương Tây (nhất là sự hình thành và sử dụng của các thủ pháp thuộc trào lưu siêu thực, tượng trưng, …), song cũng chính nhờ vậy mà tập thơ này có thể truyền đạt những hình ảnh bình dân đã quen thuộc (đôi khi là được ghi nhớ như một sự tôn sùng quá độ) bằng một góc nhìn mới, trần trụi hơn, nhưng cũng đầy vẻ đẹp hơn. Và đẹp nhất, chính là tập thơ là một cái đẹp riêng tư của nhà thơ, và khi người đọc tiếp cận được nó, những thứ đẹp đẽ ấy, trong đôi mắt bạn đọc có lẽ sẽ là một thế giới khác, một cảm giác khác giữa một rừng hình ảnh kia.
Sau gần ba mươi năm ra đời, hiện tại vào lần tái bản mới nhất (2015 – tái bản lần đầu của NXB Hội Nhà Văn), tập thơ đã có thêm một cách tiếp cận mới – hai văn bản ngôn từ – hội họa song hành với nhau tạo nên cách thức tiếp nhận thế giới tập thơ được mở rộng ra hơn, đa chiều hơn. Chính nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “ Cái văn bản thứ hai này (văn bản hội họa) làm cho “Sự mất ngủ của lửa” thêm một không gian mới, một nhịp điệu mới và một suy tưởng mới. Và một sự thật là: “Sự mất ngủ của lửa” trong văn bản của hội họa đã kích động tôi đọc lại “Sự mất ngủ của lửa bằng ngôn từ như là tôi chưa bao giờ biết đến nó trước đó.” Để có thể nói, với những bạn đọc lần đầu tiếp cận, có lẽ thơ Nguyễn Quang Thiều rất khó đọc khi nó đánh sập rất nhiều quan niệm thi ca thông thường trong đời sống (kể cả là đã ba mươi năm tập thơ ra mắt), song một khi đã quen dần, đã có thể ngẫm và chìm đắm vào thế giới đấy rồi, dòng sông Đáy sẽ cuốn chúng ta đi dọc một miền cô đọng, để kết thúc bằng một nốt nhạc làm ta suy ngẫm về chính cố hương, về nơi ta sẽ tìm đến, để trở về, và nơi nào cho cái tôi mình sẽ sống được như những vì sao ngây thơ.
Category: Văn học