Nếu nhà văn người Pháp Boris Vian từng vứt bỏ trọng lực để tạo ra một thế giới thần tiên rất riêng ở Bọt tháng ngày, thì ngược với nó, Ray Bradbury cũng dựng nên cõi u minh chứa nhiều kinh sợ trong Xứ tháng Mười. Ở cõi người mùa thu đó, bằng nhiều giọng văn và các câu chuyện sởn gai ốc khác nhau, nhà văn của 451 độ F đã mang đến một tác phẩm vừa châm biếm, vừa giễu nhại theo từng vòng tròn đồng tâm: từ con người phát tán thành một bức tranh xã hội rộng hơn, và bao trùm trên hết là những “trò lố” định nghĩa con người.
19 truyện từ ngắn đến dài trong Xứ tháng Mười vẫn mang những đặc trưng rất riêng của Ray Bradbury, như thế dystopia của 451 độ F và chất trào phúng của Người minh họa. Như giải thích của ông, Xứ tháng Mười là một cảnh trí luôn luôn biến động. Nó là thế giới nội tâm của những linh hồn khi ông ở trong bụng mẹ đến hơn 10 tháng, và dường như có sự kết nối đặc biệt với cuộc đời này.
KINH DỊ VÀ NGHỊCH DỊ
Nếu những nhà văn như Flannery O’Connor hay Yoko Ogawa được cả thế giới tôn sùng bằng giọng văn lạnh lẽo cùng khả năng sử dụng linh hoạt tính nghịch dị; thì ta cũng có thể thấy điều này ở Xứ tháng Mười. Trong tác phẩm này, Ray Bradbury tạo dựng nên thế giới ấy như quả cầu tuyết khép chặt – để từ đó những nhân vật cũng như mẫu hình chung của loài người trên thế giới này kịp bộc lộ ra phẩm tính đặc biệt.
Tháng Mười là tháng của Halloween, ma quỷ; của trời lập đông và những cơn gió gào thét không ngừng thổi mãi. Sương giá, hương táo và những mặt hồ đọng sương trở đi trở lại suốt tác phẩm này. Nói về yếu tố kinh dị, Ray Bradbury ngoài việc khơi gợi nỗi sợ; ông cũng nhấn mạnh thêm vào tội ác và những trò lố. Yếu tố nghịch dị được ông mang vào như nhát cắt gọn vào ven, khi ta dần dần tiến tới sự thật, thì chỉ thấy ở đó có lọc lừa đang dần lớn lên.
Vẫn dùng những đặc trưng của xác ướp, nghĩa trang, ma quỷ, ma cà rồng, bí tích hay những con chiên thừa phụng lệnh Chúa; Ray Bradbury mang đến người đọc cảm giác của một xứ sở chỉ có hai mặt, Cõi trần và Địa ngục. Thiên đàng trong tác phẩm này dường như chỉ là trò đùa, khi chính những người phụng sự cho nó cũng bất lực trước con người đương đại, về tội lỗi và những trò hề, mà hai lão già Foxe và Shaw trong việc nắn chỉnh bà Shriek là một ví dụ.
Kinh dị không chỉ có thế trong tác phẩm này. Ray Bradbury không chỉ đánh mạnh về mặt ngoại quan; mà ngay cả trong tâm tính và những diễn biến tâm lý, ông cũng chui rèn nên sự thô lỗ khiến nó nở bông, phát tán và ngày càng sinh sôi. Đó là bi kịch gia đình, sự mất kết nối, cái yếm thế và một cõi lòng vẫn luôn bị giam trong thế nhân sinh lọc lừa, luôn luôn biến chuyển từ muôn vạn kiếp.

Độc giả của cuốn sách này cần người buông neo, khi ở bất cứ góc nào và câu chuyện nào, ta cũng thấy được dấu ấn đời sống tác động lên nó. Ray Bradbury đưa ra sự thật từ những ẩn dụ, để kinh sợ làm ta run rẩy, còn nghịch dị tô đậm hàm ý của nó. Ông cho người đọc công cụ giải quyết chứ không hẳn là hướng giải quyết. Ông cung cấp bằng chứng là mặt gương soi để con người ta tự soi chiếu mình. Do đó, Xứ tháng Mười không hẳn là chuyến đi dài mà ai cũng muốn, nhưng khuyên thật rằng, hãy đi dù chỉ một lần, để thấy mình, thấy người và cả thế giới.
CÕI NHÂN SINH ĐẢO LỘN
Một trong những chủ đề quen thuộc xuất hiện xuyên suốt Xứ tháng Mười là sự mất kết nối giữa người với người, dù là trong gia đình, tình cảm mẹ – con, cha – con hay là vợ – chồng… Trong Người kế tiếp, Ray Bradbury cho thấy cách mà người vợ Marie sợ sệt tiếp cận chồng mình như sự yếm thế của người phụ nữ muôn đời hiện tồn. Mối bất hòa giữa các thành viên trong gia đình mà sự bảo bọc quá mức (Con rối lò xo) hay bỏ mặt thật sự (Tên sát nhân bé bỏng, Sứ giả, Người ở tầng trên) đều gây ra những câu chuyện rúng động.
Trong đó, Tên sát nhân bé bỏng là đại diện điển hình nhất cho ngón nghề truyền tải câu chuyện có nhiều dấu ấn qua yếu tố kinh dị của Ray Bradbury. Điều gì xảy ra khi một bà mẹ không thích con mình? Cảm xúc ra sao khi một đứa bé vẫng đang tận hưởng mọi sự bao bọc lại bị cưỡng ép ra khỏi phôi thai? Và phản ứng nào của những người khác khi đứng trước vụ việc đương thời xảy ra? Những câu hỏi chìm sâu vào những mối tương quan khó nói nên lời được Ray Bradbury truyền tải mà không phương thức nào có thể ấn tượng hơn kinh dị, và dư vị mà nó để lại vẫn còn đắng nghét trong chính vòm họng.
Những cá nhân lệch chuẩn của Ray Bradbury thường được khắc họa trong sự bất hạnh kìm nén dường như thiêu đốt của mình. Ông khắc họa sự khó khăn của một đời sống quân bình và nhiều tỵ hiềm không để cho con người ta yên ổn hiện tồn. Đó là lý do vì sao Thằng lùn gây ra án mạng, vì sao trong truyện Đoàn tụ cậu bé loài người lại thấy lạc lõng trước các Ma cà rồng hay là Harold ghi nhớ như in về những ký ức bên cạnh Hồ thu. Những cá tính này được ông trao cho thanh gươm và tấm khiên sự thật. Họ là thứ yếu nhưng là đối trọng cân bằng và đầy quyền năng với những điều ác luôn luôn ẩn hiện.
Những xung đột của con người với chính bản thân mình cũng được Ray Bradbury thể hiện rất khác lạ và đầy sáng tạo. Cũng như nhà văn đoạt giải Nobel người Ý Luigi Pirandello cho nhân vật của mình đứng trước gương để hiểu ra rằng chính mình không sống, rằng mình không phải là mình trong mắt kẻ khác, và có tới hàng ngàn nhân dạng ngoài kia, mà mỗi người ngoài nhìn nhận chúng ta mỗi một khác nhau. Ray Bradbury cũng dựng nên thế lưỡng nan trong truyện Bộ xương, về nhân vật Harris phải đấu tranh với căn bệnh tưởng là sự trả thù của những bộ xương.
Theo đó, vào một ngày bất chợ khi nhận ra mình chẳng là gì ngoài bộ khung của những đốt xương lơ lửng không cố định – một kẻ xâm lấn, là nỗi kinh hoàng – Harris đã quyết định chống lại nó, nắm quyền chủ động, khi giờ đây không uống sữa để nó thụ hưởng Canxi, nuôi mỡ để tiêu diệt chúng. Thế nhưng cũng như Moscarda của Pirandello, càng chiến đấu, càng điên loạn; ta càng nhận ra sự khủng hoảng căn tính không thề dễ dàng đẩy lùi, và chỉ ngày càng bi thảm lọt vào hố sâu tăm tối. Tuy câu chuyện của Ray Bradbury nghịch dị theo một hướng khác, thế nhưng ấn tượng mà nó để lại sau cùng vẫn là sự nghi ngờ bản chất con người, sự thiếu thấu hiểu bản thân và những đời sống rơi rớt.
Bước ra từ sự hướng vào con người hay những mối quan hệ tương hỗ khác nhau, Ray Bradbury cũng cho người đọc thấy được một thứ lớn hơn – một xã hội chung với nhiều khía cạnh vô cùng sắc sảo và nhạy bén. Trong truyện Người kế tiếp, mặc cho sự thật đau lòng về những xác ướp được đào trở lên do không có tiền duy trì khoảnh đất chôn cất, nhân vật chính vẫn muốn chụp hình và mua xác chết; từ đó sự giàu có vô nhân tính của chủ nghĩa tư bản hiện lên, sáng rõ và cũng đặc biệt. Trong truyện Chiếc bình, sự tôn sùng thái quái và niềm tin Tà giáo, Hội kín khiến người ta biến thành trò cười, khi giờ đây chỉ một nhúm rác, nó liền trở thành Chén Thánh, đất mẹ, bộ óc hay thậm chí những linh hồn rơi xuống đầm lầy.
Đám mây báo chí, truyền thông theo kiểu DeLillo cũng được Ray Bradbury khắc họa trong truyện Đám đông, với những con người ham mê cái mới, đói ngấu tin tức và luôn luôn xuất hiện ở những vụ tai nạn, để càng thúc đẩy nhanh hơn cái chết của những nạn nhân. Tâm trí đám đông, mẫu người điển hình cũng đẩy lùi đi dấu ấn cá nhân, khiến bất cư ai đặc biệt giờ đây cũng có thể nhàm chán và được tôn sùng bởi những chiêu trò điêu toa, giả dối; như nhân vật George Garvey – thiện thân của nỗi buồn chán ghê gớm, để nhóm bè lũ Cellar Septet tôn lên làm thủ lĩnh văn chương tiên phong, tôn vinh được sự cô độc.
Cách viết châm biếm, giễu nhại cũng là dấu ấn đặc biệt và để lại nhiều ấn tượng trong tác phẩm này của Ray Bradbury. Dùng những cặp đối lập để làm nổi bật trò mèo cuộc sống, ta có thể bắt gặp những nụ cười ban đầu, nhưng liền sau đó sẽ là những suy tư rất trăn trở. Đó là người đàn ông chỉ vì muốn chiếm đoạt sự chú ý mà làm mắt mình mù, biến tay mình thành ống trống rỗng và chân mình thành lồng chim (Con mắt không nhắm). Là bà lão khi đã chết rồi vẫn còn muốn bơm lại dòng máu New England vào cơ thể trâm anh thế phiệt (Có một bà già), hay sự may mắn bởi những tình thế đời sống xô đẩy (Cái chết tuyệt vời).
451 độ F có thể mang đến danh tiếng toàn cầu cho Ray Bradbury, trở thành tác phẩm kinh điển khắc họa thế giới không tưởng dystopia; nhưng Xứ tháng Mười mới thật sự là tác phẩm đánh dấu cho nghệ thuật viết cũng như khả năng khắc họa muôn mặt sự sống cho ông, khi kinh dị, nghịch dị giờ đây không còn được dùng như những biện pháp gây shock; mà chính nó trở thành tiếng nói cảnh báo cho sự mất mát nhân tính đang dần lan tràn. Một tác phẩm nổi trội và rất đặc biệt.